“Cái Tôi"

“Cái Tôi
Chuyện đâu đó quanh bạn hoặc có thể là chính bạn… Để tôi kể cho bạn nghe chuyện này, trước khi chúng ta bắt đầu câu chuyện.

Tôi có một người bạn. Là con trai, cao 1 thước 8. Bạn ấy tập thể hình để được bụng sáu múi. Bạn ấy học sáo, học võ. Bạn ấy ra trường một năm và có một mức lương mà nhiều người mơ ước và không phải nhiều người thế hệ 9x có thể làm được. Mỗi cuối tuần, bạn ấy tới những nhà hàng sang trọng hay những điểm du lịch tuyệt vời, để nghỉ ngơi, khám phá. Nhà bạn ấy ở chung cư cao cấp ở Hà Nội. Bạn ấy có một khuôn mặt sáng sủa. Bạn ấy ăn nói có giáo dục. Bạn ấy có một cô người yêu tuyệt vời, người mà luôn đứng phía sau bạn ấy. Bạn ấy hoàn hảo – như cách xã hội bảo bạn ấy. Còn gì phải phàn nàn phải không nào?

Thế nhưng bạn ấy nói rằng: Bạn ấy muốn mình có giá trị kiểu như năm 30 tuổi, thì bạn ấy sẽ trị giá 1 triệu dollar. Bạn ấy đong đếm tình yêu bằng số kỷ niệm và những ngày bên nhau. Bạn ấy nói rằng, tình yêu hay mức độ tốt đẹp trong các mối quan hệ tỉ lệ mức độ hạnh phúc với số tiền. Bạn ấy nói rằng bạn ấy mong muốn, một ngày nào đấy, có thể hiểu biết và kiểm soát những người khác, để bạn ấy có thể là một lãnh đạo gì đó.

Câu chuyện trở lên cao điểm khi bạn ấy nói rằng, bạn ấy là người có trách nhiệm – như cách mà những người khác kỳ vọng. Bạn ấy không thích cái gì đặc biệt. Bạn ấy không có một ý muốn gì-cho-cá-nhân bạn ấy trong cuộc sống. Bạn ấy bảo không có thời gian để nghĩ về cái mà bạn ấy thực sự muốn. Bạn ấy hài lòng với cái vòng hoàn hảo ấy, với ánh mắt ngưỡng mộ từ người khác. Và bạn ấy chấp nhận với suy nghĩ về bản thân: “Mình thật là một kẻ nhàm chán. Nhưng mình chấp nhận nó!”
Tôi đã muốn hỏi cậu ấy: Liệu cậu có cảm xúc của riêng cậu về thế giới màu sắc, sống động xung quanh? Liệu cậu đã bao giờ nghĩ tới trách nhiệm với cái tôi của bản thân?


Và điều này cũng dẫn tới một câu hỏi khác: Cái thế hệ 9x chúng tôi, mang trong mình những nỗi hoang mang mơ hồ, nhiều người sống một cuộc sống mang tính triển lãm, lạc lối trong những câu chuyện đam mê, mục đích sống có phải đã “bị” giáo dục quá mức đến nỗi mà xã hội GẦN như nuốt mất CÁI TÔI của mình? Một vài nhóm chúng tôi vẫn có nhiều người không từ bỏ con đường đi tìm “cái tôi” ấy. Và một nhóm khác, họ thỏa hiệp.

Xã hội nuốt mất CÁI TÔI của bạn như thế nào?

Chúng ta được giáo dục rằng, chúng ta cần vào đại học, chúng ta cần phải có địa vị, chúng ta cần có nhiều người biết đến, hạnh phúc của chúng ta là sống vì người khác, sống có ích cho xã hội, chúng ta cần phải lo lắng với những nỗi muộn phiền của người khác, chúng ta cần phải hy sinh vì người khác. Chúng ta cần phải thành công và phải thành công theo cách mà xã hội định nghĩa. Chúng ta phải cao cả và phải cao cả theo cách mà xã hội công nhận. Và sống vì bản thân là ích kỷ, là không tốt.

Giáo dục của xã hội, của nhà trường, của xã hội, vạch ra mọi thứ, để chúng ta sống mà không cần phải nghĩ. Để cái tôi không cần phải hiện diện quá nhiều, cứ làm theo cách mà nhiều người làm.
Chúng ta cũng được giáo dục rằng, nếu có bất cứ hành vi cá nhân nào, xâm hại tới lợi ích tập thể, một là phải dập tắt nó ngay từ trong ý nghĩ, hoặc là phải hy sinh cá thể đó, để bảo toàn lợi ích cho tập thể. Tập thể là trên hết. Không cần phải coi trọng công lý.

Và bằng cách đó, chúng ta cho phép xã hội nuốt mất CÁI TÔI của chúng ta
Chúng ta bắt đầu, đối chiếu những giá trị bản thân khi so với người khác. Chúng ta làm việc chỉ để có sự hào nhoáng, khi những người khác nhìn vào, mà không phải sự hấp dẫn từ tự thân công việc. Chúng ta ngụy biện rằng, tôi vì cơm áo gạo tiền, vì tôi không muốn tham-sân-si như những người bất hạnh khác, vì những gì mà ba mẹ và người khác đã trông cậy vào tôi,… nên tôi phải sống như cách xã hội, tôn giáo của tôi, nền giáo dục bảo tôi phải sống.

Chúng ta bắt đầu so sánh với những người khác, chúng ta có thể nảy sinh sự đố kị, ghen ghét với người khác. Chúng ta cũng có thể áp đặt những cái đó lên những cái tôi của người khác. Chúng ta sẽ có thể ngứa mắt và sẽ tìm mọi cách để giết cái tôi của người khác. Nhân danh xã hội, bắt những cái tôi khác phải sống như cách mà ta lựa chọn.

Chúng ta nhân danh xã hội – cho những điều tốt đẹp nhất nhưng lại làm những việc độc ác, tàn nhẫn – với những cái tôi! Và chúng ta vẫn cười hả hê trong cái công việc đó, và vẫn quằn quại với chính mình.
Chúng ta trở lên lười nhác, trong việc cảm, vì đã có những ngôn từ đẹp trên đủ mọi loại phim ảnh – sách vở.
Chúng ta trở lên lười nhác, trong việc nhìn và nghe, vì đã có tivi – đài báo nhìn hộ, phân tích hộ chúng ta.
Chúng ta trở lên lười nhác, trong công việc, vì đã có những quy trình, và ta chỉ cần lặp lại như một cái máy.
Chúng ta trở lên lười nhác, trong cả chuyện yêu, vì có thể đã có những món quà đắt giá, tạo lên hạnh phúc.
Chúng ta không tự cảm nhận, chúng ta không sáng tạo, chúng ta thở mà như không thở, và như những ký sinh vào những giá trị sẵn có của xã hội.

Bạn có cho phép xã hội nuốt mất CÁI TÔI của bạn không?
Đừng có tự an ủi bản thân rằng: Tôi muốn giữ nó lắm, tôi đã cố gắng, nhưng không được. Xã hội là một lực lượng to lớn. Và nó quá mạnh. Vì nó chỉ xảy ra, khi bạn cho phép nó xảy ra khi cái tôi là do bạn hoàn-toàn-kiểm-soát.
Hãy bảo vệ cái tôi của bạn. Cái tôi ấy, có thể vì xã hội, có thể không. Nhưng đừng ngụy biện hay buông xuôi, và đừng để xã hội đồng hóa cái tôi của bạn. Đồng nghĩa với việc hãy trung thực với chính mình.

Hãy để cái tôi của bạn tự do khỏi những quy chuẩn đạo đức, khỏi những giá trị xã hội – đủ để cái tôi của bạn phán xét, lựa chọn và để bạn tự tìm ra giá trị của bản thân mình. Để từ đó, tự xây dựng những giá trị đó cho con người mình. Trong hệ quy chiếu với chính bạn, hãy “đo lường” đúng giá trị bản thân. Không cao ngạo với người khác. Không so đo hơn người. Làm việc hết mình, yêu trọn vẹn. Tự do. Vì tất cả, chúng dành cho bạn, không cần phải ai xen vào.

Cũng vì vậy, nếu bạn biết rõ cái tôi của mình, tôn trọng nó. Bạn cũng sẽ dễ dàng, chấp nhận tuyệt đối, sự khác biệt và sự đa dạng của cuộc sống này. Để bạn vị tha, bạn hiểu biết và bạn cảm nhận. Tất cả mọi thứ.

Tuy nhiên, một lưu ý là, dưới góc nhìn của cá nhân tôi là, đừng có dùng cái tôi một cách không đúng cách, khi bạn dễ mắc bẫy nhân danh cái tôi của bản thân bạn nhưng nhận thức không đúng cái tôi của bản thân theo chiều hướng tự cao, tự đại và áp đặt cái tôi lên mọi thứ. Để rồi bạn dù có cố gắng cách nào cũng nhìn thế giới méo mó trong cái tôi của bạn, khiến cho con người bạn chẳng thể nào rộng mở được.

Tất cả những điều trên đây, mặc dù mang cho tôi nhiều thứ nhưng có thể là số 0 tròn trĩnh, đối với bạn. Tôi không chắc rằng những điều mà tôi nói rằng chúng ta hãy làm, đúng với tất cả chúng ta. Bởi từ kinh nghiệm cá nhân, việc tự do với cái tôi là một con đường khá cô đơn. Vì thế, ai sợ điều này, thì nên tiết chế (!)
Bạn có quyền phán xét nó. Và tôi thì vẫn giữ cái tôi của mình. Trước các bạn và với chính tôi.
Tags: Đời sống

Đang xem: “Cái Tôi"

Bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên